Chuyện về nữ anh hùng 3 lần bị địch cưa chân
(Công lý) - Ước mơ lớn nhất của một nữ du kích nằm vùng trong kháng chiến chống Mỹ là mong cho đến ngày đất nước được hòa bình để ngủ một đêm ngon giấc. Đó là tâm sự của nữ thương binh - Anh hùng Phạm Thị Mai (tên thường gọi là Tám Mai).
1. Cô du kích mật trong ấp chiến lược Tân An.
Mở đầu câu chuyện, cô Tám Mai nhớ lại, nhiều đêm ngồi co ro trong địa đạo bị nước ngập không ngủ được, chỉ có một ước mơ nhỏ nhoi là mong cho đất nước được hòa bình để ngủ cho đã giấc…
Nơi cô sống là thôn 3, xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận ngày nay. Xưa có tên là ấp chiến lược Tân An, Tân Điền nằm phía ngoài lộ, là vùng chiến tranh ác liệt trong khu “Tam giác sắt” thuộc Quận Thiện Giáo (Bình Thuận cũ). Mỗi mét đất đã đẫm đầy biết bao bon đạn và xương máu, hy sinh. Từ những năm 1960, Mỹ - ngụy tìm mọi cách kéo dân ra khỏi vùng căn cứ kháng chiến, lập nhiều ấp chiến lược với dây thép gai ba tầng và gài mìn bao bọc, quản chế dân trong vùng mà hầu như gia đình nào cũng có người theo cách mạng.
Tám Mai sinh ra trong một gia đình rặt nông dân nghèo, có bảy anh chị em (3 người con trai) đã hy sinh hai người. Tám Mai được giác ngộ cách mạng từ rất nhỏ. Bao nhiêu đơn vị biệt kích, lính cộng hòa, lính Mỹ đến vùng này đều kinh sợ hai đối tượng “xuất quỷ nhập thần” là du kích mật trà trộn vào sống hợp pháp trong dân và đám con nít.
Nghe tiếng du kích mật Hàm Chính, Hàm Liêm, nhiều tên lính mất ăn, mất ngủ khi bị điều đến vùng này, đêm ngày van vái trời đất cho đến lượt luân phiên đổi đi nơi khác. Chiều cuối tuần, đám ác ôn Quận trưởng, Cảnh sát trưởng khét tiếng như Tư Thừa, Bảy Của, Ba Kiệm từng bỏ xác phơi thây giữa đồng ruộng cây số 9 gần cây Cầu Lim. Du kích mật phục phía sau con suối yểm trợ khi mìn nổ xong, rút lui an toàn. Du kích mật thường là thiếu niên, giả trang thành con gái nhổ cỏ ruộng, móc cua, cắt lúa, cấy mạ… canh chừng giờ bọn ác ôn về thị xã Phan Thiết nghỉ ngơi, du hí cuối tuần theo một quy luật, giờ giấc nhất định.
Một trái mìn gài sẵn bên vệ đường, dây và bình điện kéo vào chân ruộng nơi du kích giả trang đứng lom khom. Mìn giật nổ, hai đồn lính ấp Bình Lâm, Bình An xối đạn đại liên Mã Lai như mưa vào mục tiêu di động, chạy nhanh như sóc biến vào con suối nhỏ rồi lặn vào rừng. Có hôm, giặc truy đuổi, gọi cả pháo Ca-nông từ Mương Mán, Tà Zôn, Ma Lâm bắn yểm trợ nhưng chưa bao giờ làm được gì. Sáng hôm sau, “du kích nhỏ” hòa mình vào đám bạn chăn trâu bò, chiều lại về trong ấp chiến lược để sống một cách “tỉnh queo”.
Năm 1961, mới 14 tuổi, Tám Mai
đã làm liên lạc, vận chuyển vũ khí vào ấp chiến lược, tiếp tế thuốc
men, thực phẩm cho cách mạng và nghe ngóng tình hình để báo cáo cho mấy
anh, mấy chú du kích. Từ 1961 đến 1964, đội du kích bí mật mưu trí, dũng
cảm tham gia hàng chục trận đánh lớn nhỏ, bắt sống 7 tên lính võ trang.
Trong số này có tên Xược là một ác ôn khét tiếng trong vùng khiến nhân
dân phấn khởi, vui mừng hả hê.